Bull trap là bẫy rủi ro mà nhà đầu tư khó tránh khỏi khi tham gia đầu tư chứng khoán, đặc biệt là những nhà đầu tư mới F0, còn thiếu kinh nghiệm và tâm lý chưa vững vàng.
Hiểu rõ dấu hiệu của bull trap giúp nhà đầu tư tránh mua phải cổ phiếu tăng ảo, giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi nhuận.
Bull Trap hay còn gọi là Bẫy tăng giá là thuật ngữ phổ biến trong thị trường chứng khoán, mô tả một tín hiệu giả, đánh lừa nhà đầu tư rằng thị trường đang có dấu hiệu phục hồi và bắt đầu tăng trở lại sau một chu kỳ giảm giá trước đó, thu hút nhiều nhà đầu tư muốn “bắt đáy”, liên tục mua vào. Tuy nhiên, chuyển động đi lên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và giá cổ phiếu tiếp tục giảm khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng.
Nguyên nhân xuất hiện Bull Trap
Có nhiều lý do xuất hiện Bull Trap trên thị trường, trong đó chủ yếu là có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài hoặc tác động của tin tức, sự kiện kinh tế hoặc chính trị.
Một số nhà đầu tư hoặc tổ chức có tiềm lực tài chính lớn (cá mập – đội lái) liên tục mua một mã cổ phiếu để tạo cơn sốt tăng giá ảo. Nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt những người mới tham gia thị trường (F0) thiếu kinh nghiệm khi thấy giá tăng sẽ thực hiện mua đuổi. Khi đạt ngưỡng kỳ vọng, cá mập bắt đầu xả hàng để thu lời. Đến nay, nhiều trường hợp làm giá, thao túng thị trường đã bị cơ quan chức năng bắt giữ hoặc xử phạt theo luật.
Nhà đầu tư cũng dễ bị tác động tâm lý trước những tin tức bất ngờ dẫn đến quyết định mua vội khiến giá cổ phiếu tăng tạm thời. Trong khủng hoảng, các tin tốt có thể xuất hiện liên tục tạo ra tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư tin vào sự phục hồi của thị trường. Nhà đầu tư cần hiểu bản chất của sự giảm giá, và thông thường sự khủng hoảng không thể giải quyết bằng các biện pháp ngắn hạn.
Bên cạnh đó, hiệu ứng tăng giá cũng là nguyên nhân tạo Bull Trap. Tại thời điểm nhiều nhà đầu tư cùng tiến hành lệnh mua với mục đích “bắt đáy” sẽ gây ra hiệu ứng tăng giá ảo, nhưng lực mua chỉ áp đảo lực bán trong thời gian ngắn, sau đó giảm mạnh khiến giá cổ phiếu quay đầu.
Dấu hiệu nhận biết Bull Trap:
Các bẫy tăng giá thường có chung dấu hiệu kỹ thuật là xuất hiện xung quanh đường hỗ trợ và kháng cự, nhưng không được hỗ trợ bởi khối lượng giao dịch hoặc các chỉ báo xung lượng chính
– Giá cổ phiếu tăng, nhưng các chỉ báo xung lượng như MACD và RSI vẫn trong xu hướng giảm. Bởi, trong một đảo chiều tăng giá thực sự, giá cổ phiếu, MACD và RSI thường có xu hướng tăng cùng lúc.
– Mặc dù có chuyển động đi lên nhưng khối lượng giao dịch thấp. Giá của cổ phiếu có thể tăng lên, nhưng việc thiếu khối lượng giao dịch cho thấy có nhóm người đầu cơ đẩy giá lên nhưng không mua để hỗ trợ chuyển động đó.
– Nhà đầu tư cũng có thể sử dụng chỉ báo Fibonacci thoái lui để có nhận biết ngưỡng hỗ trợ, kháng cự hay điểm ra vào lệnh đối với giá cổ phiếu. Trong nhiều trường hợp, các bẫy tăng giá sẽ thoát khỏi đường hỗ trợ, nhưng sẽ xuất hiện đường kháng cự ở mức Fibonacci.
Cách tránh Bull Trap
Trang bị kiến thức:
Để tránh bẫy tăng giá và nhiều rủi ro chứng khoán khác, nhà đầu tư cần trang bị cho mình những kiến thức về phân tích kỹ thuật như các chỉ báo cơ bản, vùng cung cầu, mô hình breakout ở vùng kháng cự, quan sát hành động giá… Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần cập nhật các thông tin vĩ mô, biến động thị trường và phân tích được yếu tố nào ảnh hưởng đến giá thị trường trong dài hạn, tránh đặt tỷ lệ đòn bẩy quá cao dễ dẫn đến rủi ro cháy tài khoản
Đặt cắt lỗ/ chốt lời tự động
Cắt lỗ hoặc chốt lời là chiến lược phòng ngừa rủi ro hiệu quả mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải lưu ý. Việc quản lý mức cắt lỗ không quá 8% số vốn đầu tư sẽ hạn chế được tổn thất cho nhà đầu tư, ngay cả khi rơi vào Bẫy tăng giá.
Ngoài các chỉ báo giúp xác định thời điểm mua vào, bán ra hợp lý, nhà đầu tư có thể sử dụng công cụ cắt lỗ và cảnh báo tự động của công ty môi giới chứng khoán.
Không đầu tư theo cảm xúc
Nhà đầu tư có thể dính bẫy tăng giá nếu không kiểm soát được cảm xúc của mình trước tin nóng, chạy theo đám đông. Nhiều nhà đầu tư thấy sợ hãi trước những tin đồn trên thị trường, hoặc hoang mang chạy theo đám đông nên đã quyết định mua vào ở đỉnh thị trường, rơi vào bẫy tăng giá và bán tháo ở mức đáy, dẫn tới tổn thất nặng nề.
Giống như tên gọi, bẫy luôn rủi ro và thường kết thúc bằng tổn thất. Bất cứ nhà đầu tư nào, dù là F0 hay nhà đầu tư lâu năm đều có thể rơi vào bẫy tăng giá.
Trên thị trường, không hiếm các trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoạt động kinh doanh thiếu minh bạch hay lãnh đạo hợp tác với các đội lái để làm giá cổ phiếu nhằm mục đích kiếm lợi bất chính. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức cẩn thận và trang bị cho mình một tâm lý vững, kiến thức tốt về những phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để nhận biết dấu hiệu của bẫy tăng giá, xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, tối đa hóa lợi nhuận.