Vô thức với ý nghĩ linh động
Freud cũng chịu ảnh hưởng từ nhà sinh lý học Brucke. Ông là một trong những người sáng lập nên ngành ” sinh lý học mới” của thế kỉ 19. Một ngành tìm kiếm những lí giải theo lối cơ giới cho mọi hiện tượng hữu cơ. Brucke cho rằng, giống như mọi sinh thể hữu cơ khác, con người về cơ bản là một hệ thống năng lượng. Định luật này phát biểu rằng, tổng số năng lượng trong một hệ kín giữ nguyên không đổi theo thời gian. Nó không thể bị huỷ hoại, chỉ có thể di chuyển hoặc chuyển hoá mà thôi.
Freud áp dụng cách tư duy này vào các tiến trình tâm lý, dẫn đến quan điểm về ” năng lượng tâm thức”. Theo ông, thứ năng lượng này có thể trải qua sự điều chỉnh, truyền dẫn và chuyển hoá, nhưng không thể bị huỷ hoại. Vậy nên, nếu chúng ta có một suy nghĩ mà tâm trí hữu thức không thể tiếp nhận được, tâm trí sẽ tái điều chỉnh để đẩy nó ra khỏi ý thức, để đưa vào vô thức, trong một quá trình mà Freud gọi là ” dồn nén”.
Chúng ta có thể dồn nén kí ức về một sang chấn thời thơ ấu ( như bị lạm dụng hoặc chứng kiến một tai nạn), một ham muốn mà chúng ta thấy là không thể chấp nhận được ( có thể là ham muốn người yêu của bạn mình), hoặc những ý nghĩ đe doạ cuộc sống an lạc và triết lí sống của chúng ta.
Vô thức và những xung lực thôi thúc
Vô thức cũng là nơi những xung lực sinh học mang tính bản năng của chúng ta trú ngụ. Những xung lực đó chi phối hành vi của chúng ta, hướng chúng ta tới những lựa chọn hứa hẹn thoả mãn những nhu cầu cơ bản nhất của mình. Những xung lực này đảm bảo cho sự sinh tồn của chúng ta: nhu cầu thức ăn và nước; ham muốn tình dục để đảm bảo sự duy trì nòi giống. Và nhu cầu tìm nơi trú ẩn ấm áp, nhu cầu cần có cộng đồng.
Nhưng Freud cho rằng, vô thức còn chứa một xung lực đối lập lại, xung lực chết, thứ hiện diện ngay từ khi mới sinh. Đây là xung năng mang tính tự huỷ hoại và thúc chúng ta hướng về phía trước. Dù khi làm vậy là chúng ta đang tiến dần về cái chết.
Cái nó, cái tôi và cái siêu tôi
Trong những công trình sau này, Freud chuyển từ quan điểm cho rằng tâm trí được cấu trúc từ ý thức, vô thức và tiền ý thức sang ý tưởng về một cấu trúc kiểm soát mới: cái nó, cái tôi và cái siêu tôi. Cái nó ( được định hình bởi những xung năng nguyên thuỷ) tuân theo những nguyên tắc khoái lạc, thứ hướng đến việc thoả mãn ngay lập tức mọi xung lực ham muốn: nó muốn mọi thứ ngay lập tức.
Tuy nhiên, một phần khác của cấu trúc tâm trí, cái tôi, thừa nhận nguyên tắc thực tại, thứ nói rằng chúng ta không thể có mọi cái chúng ta ham muốn, mà phải cân nhắc đến thế giới ta đang sống.
Cái tôi hoà giải với cái nó, cố tìm những cách hợp lí để giúp nó đạt được những gì nó muốn mà không dẫn đến tổn hại hoặc những hậu quả đáng sợ khác. Bản thân cái tôi lại bị điều khiển bởi cái siêu tôi- tiếng nói của cha mẹ và những quy tắc đạo đức của xã hội đã được nhập tâm hoá. Cái siêu tôi là lực lượng phán xét, là nguồn gốc của lương tâm, mặc cảm tội lỗi và sự xấu hổ của chúng ta.
Vô thức chứa những xung lực xung đột với nhau
Freud cho rằng, vô thức chứa vô số những xung lực xung đột với nhau. Ngoài những xung lực sống và chết, nó còn chứa những kí ức và cảm xúc bị dồn nén mạnh. Cũng như chứa những mâu thuẫn cố hữu trong cách nhìn nhận của chúng ta về thực tại ý thức, bên cạnh thực tại bị dồn nén của ta.
Theo Freud, xung đột sinh ra từ những sức mạnh đối lập này là thứ xung đột tâm lý đằng sau sự đau khổ của con người. Vậy nên, có gì ngạc nhiên không khi con người sống trong những trạng thái đầy lo âu, trầm uất, nhiễu tâm và những nỗi bất mãn khác?